Thực hiện Nghị quyết số 1250/NQ-UBTVQH15, ngày 24 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó Thành lập xã Gia Tiến trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 2,6840 km2, quy mô dân số là 4.730 người của xã Tân Tiến và toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,5022 km2, quy mô dân số là 6.026 người của xã Gia Lương. Xã Gia Tiến có diện tích tự nhiên là 6,1962 km2 và quy mô dân số là 10.756 người. Xã Gia Tiến Phía Bắc giáp xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; xã Gia Xuyên, thành phố Hải Dương, Phía Nam giáp xã Hoàng Diệu, Phía Tây giáp xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương Phía Đông giáp xã Đại Sơn, xã Hưng Đạo huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
I. Tổng quan xã Gia Lương trước lúc sáp nhập
Gia Lương là xã nằm cách trung tâm huyện Gia Lộc chừng 3km về phía Đông, Phía Bắc giáp xã Tân Tiến huyện Gia Lộc; Phía Tây giáp xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc; Phía Nam giáp xã Hoàng Diệu huyện Gia Lộc; Phía Đông giáp xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Xã có diện tích tự nhiên 3,5022km2; dân số 6.026 người; xã có 5 thôn: Cộng Hoà, Luỹ Dương, Xuân Trình, Đồng Tâm và Thành Lập.
Theo tài liệu còn lưu giữ được, vào khoảng đầu thế kỷ XIX (1807) xã Gia Lương hiện nay, khi đó gồm 2 xã là: Mạnh Tân thuộc tổng Hội Xuyên huyện Gia Lộc và Luỹ Dương thuộc tổng Phan Xá huyện Tứ Kỳ. Khoảng đầu thế kỷ XX (1900) Gia Lương có thêm xã Xuân Dương thuộc tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ. Cách mạng tháng Tám thành công 3 xã: Mạnh Tân, Luỹ Dương, Xuân Dương hợp thành xã Dương Tân. Tháng 8/1948, 3 xã Thượng Cốc, Dương Tân, Tân Dân sát nhập thành xã Quốc Tuấn. Tháng 10/1956 xã Quốc Tuấn tách thành xã Gia Lương và xã Gia Khánh. Đơn vị hành chính xã Gia Lương được công nhận từ đó cho đến ngày nay.
Gia Lương là nơi đã phát hiện và khai quật khảo cổ học 2 ngôi mộ quách gỗ có niên đại khoảng thế kỷ thứ II - III lớn nhất ở nước ta từ trước tới nay, rất có giá trị trong việc bổ sung thêm những hiểu biết về đời sống vật chất tinh thần của dân tộc ta ở những thế kỷ đầu công nguyên.
Xưa kia, xã có rất nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị, mỗi làng trong xã đều có chùa thờ Phật, đình thờ Thành hoàng và những danh nhân....Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng Một âm lịch, lễ hội thường kéo dài từ 3 - 7 ngày để cầu cho mưa thuận, gió hoà, khang ninh vật thịnh, quốc thái dân an…phần lễ có: rước kiệu, tế; phần hội có các hoạt động văn hoá như: chọi gà, hát chèo, tuồng, ca trù, vật… Từ xa xưa xã đã có những gánh hát tuồng nổi tiếng đi diễn khắp nơi, như gánh hát cụ Vệ Mạch xóm Thành Lập, xã có đoàn tuồng bắc Gia Lương còn đợc lưu giữ đến ngày nay.
Gia Lương là mảnh đất có truyền thống hiếu học, là nơi đã sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng như: Trương Hanh (đỗ đệ nhất giáp đệ nhất danh tương đương Trạng nguyên vì khoa thi này không lấy Trạng Nguyên) làm quan đến chức Thượng thư thời Trần - Hồ Văn (1232); Phạm Ngọc Uyên đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) năm 1490; Phạm Xưởng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 1553; Nguyễn Đôn Cung đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1614. Ngày nay nhiều người học hành thành đạt có bằng kỹ sư, bác sỹ, cử nhân....
Gia Lương cũng là quê hương của nhiều danh nhân, danh tướng, danh thần ngoài các vị khoa bảng kể trên, ở Luỹ Dương, Xuân Trình có 6 vị được phong tặng Lục công phù Trần dẹp giặc đó là các cụ: Phạm Công Trinh, Vũ Công Cán, Nguyễn Công Mỹ, Trần Công Hợp, Phạm Công Hằng, Lê Công Vinh. Làng Mạnh Tân trước đây có cụ Nguyễn Bá Lân là nhà nho học, thạo danh y được vua Lê Hiển Tông phong tặng "Thượng tướng quân Công Thảo" năm 1747...xã có nhiều nghệ nhân có tay nghề giỏi như cụ Phó Chiều làng Luỹ Dương với nghề thợ nề, cụ Nguyễn Xuân Bút, làng Mạnh Tân có nghề sơn son thiếp vàng...
Ngày 20 tháng 8 năm 1946, Chi bộ đầu tiên xã Gia Lương được thành lập gồm có 3 đảng viên, đến nay tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ là 332 đồng chí, người dân Gia Lương có truyền thống đoàn kết, yêu nước, giữ làng, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Trải qua các cuộc kháng chiến, xã có 176 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 81 người là thương binh, 36 bệnh binh; 15 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ Phạm Thị Đức, Phạm Thị Bởi, Nguyễn Thị Rện…); Toàn xã có 1.002 người có công với nước đã được đảng, Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, bằng khen các loại... Đảng bộ và nhân dân Gia Lương đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì về công tác vận động thanh niên tòng quân chống Mỹ.
Xã có trạm y tế, 3 trường học (mầm non, tiểu học, THCS); 5 làng được công nhận là làng văn hoá. Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Gia Lương tiếp tục ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh. Năm 2017 xã được chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020 xã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
* Làng Luỹ Dương
Làng Luỹ Dương còn có tên gọi là làng Sồi Đông nằm ở phía đông nam của xã, nằm trong vòng cung con sông Đồng Tràng. Làng có 24 dòng họ sống quần tụ, đoàn kết từ lâu đời.
Trải qua thời gian, đến nay làng vẫn còn lưu giữ được một ngôi đình và một ngôi chùa cổ kính được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Đình thờ thành hoàng làng là Lương Cảm Quang Châu - Hoàng Thái Hậu người có công giúp vua đánh giặc Lương được vua Trần Anh Tông ban sắc phong tước thần và được phụng thờ là thành hoàng làng cho tới ngày nay. Hàng năm làng mở hội từ ngày 8 - 10 tháng mười một âm lịch.
Theo thần phả của làng truyền lại: Xưa làng có các danh nhân như: Hoàng giáp Phạm Ngọc Uyên; Hoàng giáp Nguyễn Đôn Cung; tiến sĩ Phạm Xưởng và nhiều người đỗ đạt cao như: Phạm Duy Chân; Phạm Duy Khuê. Tương truyền làng có các danh tướng Võ ban đô đốc Bùi Văn Thư; trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông có một số người theo Hưng Đạo Vương đi đánh giặc, sau được phong làm “Lục công phù Trần dẹp giặc" và được thờ phụng trong đình làng.
Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng...., có 45 người đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ; 28 thương binh; 15 bệnh binh.
Hoà bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của đảng, nhân dân trong làng nêu cao truyền thống văn hiến và cách mạng xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Làng đã được công nhận danh hiệu Làng văn hoá năm 2005.
* Làng Đồng Tâm.
Đồng Tâm là 1 trong 3 xóm của làng Mạnh Tân trước kia (tên nôm là làng Gạo) thuộc tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc. Tháng 3 năm 1946 là một xóm của làng Mạnh Tân thuộc xã Dương Tân, huyện Gia Lộc; tháng 9 năm 1947 thuộc xã Quốc Tuấn, đến năm 1956 vẫn là một xóm của làng Mạnh Tân thuộc xã Gia Lương và nay là làng Đồng Tâm xã Gia Lương. Làng nằm giáp xã Tân Tiến và xã Gia Khánh, có 8 dòng họ sống đoàn kết, quần tụ từ lâu đời.
Làng thờ chung thành hoàng của làng Mạnh Tân xưa là Tông xá Thạch Thần Linh ứng Đại Vương (là Thiên thần) ở miếu. Theo sự tích: Ngài hiển thánh ở bàn đá bên sông và xưng là Tông Xá Thạch Thần vào thời Cao Biền đi kinh lý qua bến sông này. Cao Biền cắm hướng miếu và cùng nhân dân trong làng rước tảng đá bên sông lên thờ. Ngài có công âm phù vua Lê Đại Hành và Trần Hưng đạo đánh giặc.
Lễ hội hàng năm là ngày mồng 8 tháng 01 âm lịch là ngày hiển thánh, ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày khánh hạ. Đình làng Mạnh Tân còn thờ vọng Vua Hùng thứ 18 và danh nhân Trương Hanh.
Qua các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng...., 16 người đã anh dũng hy sinh và được suy tôn liệt sỹ; 13 thương binh; 60 người có công được tặng thưởng huân, huy chương các loại.
Làng đã xây dựng được quy ước năm 2003 gồm 6 chương, 33 điều làm quy tắc xử sự chung cho mọi người dân trong làng cùng thực hiện và được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá" năm 2006.
* Làng Thành Lập
Nằm sát con sông Cầu Binh, giáp xã Tân Tiến. Trước Cách mạng Tháng Tám làng là một xóm nhỏ có tên là Xóm Lập thuộc làng Mạnh Tân (tên nôm là làng Gạo), xã Mạnh Tân, tổng Hội Xuyên huyện Gia Lộc. Tháng 3 năm 1946 là một xóm của làng Mạnh Tân thuộc xã Dương Tân, huyện Gia Lộc; tháng 9 năm 1947 thuộc xã Quốc Tuấn, đến năm 1956 vẫn là một xóm của làng Mạnh Tân thuộc xã Gia Lương. Sau năm 1990 là làng Thành Lập, làng có 6 dòng họ vẫn tồn tại từ xưa đến nay sống đoàn kết bên nhau cùng xây dựng lên làng.
Làng Thành Lập cùng với làng Đồng Tâm cùng thờ chung thành hoàng là Tông Xá Thạch Thần.
Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng...., 16 người đã anh dũng hy sinh được suy tôn liệt sỹ, 14 thương binh.
Ngày nay, nhân dân trong làng tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp. Làng đã xây dựng quy ước năm 1997 gồm 5 chương, 17 điều làm quy tắc xử sự chung của nhân dân trong làng và được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá" năm 2000.
* Làng Cộng Hoà.
Trước đây là xóm Chùa của làng Mạnh Tân (tên nôm là làng Gạo) thuộc tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc; tháng 3 năm 1946 là một xóm của làng Mạnh Tân thuộc xã Dương Tân; tháng 9 năm 1947 thuộc xã Quốc Tuấn, đến năm 1956 thuộc xã Gia Lương, năm 1962 xóm Chùa đổi thành xóm Cộng Hoà, nay là làng Cộng Hoà. Làng có 22 dòng họ sống đoàn kết, quần tụ "tắt lửa tối đèn" có nhau.
Làng thờ chung thành hoàng của làng Mạnh Tân xưa là Tông xá Thạch Thần Linh ứng Đại Vương (là Thiên thần) ở miếu. Lễ hội hàng năm là ngày mồng 8 tháng Một âm lịch là ngày hiển thánh, ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày khánh hạ. Đình làng Mạnh Tân còn thờ vọng Vua Hùng thứ 18 và danh nhân Trương Hanh.
Làng là quê hương của danh nhân Trương Hanh đỗ Đệ nhất giáp, đệ nhất danh (tương đương Trạng nguyên vì khoa thi này không lấy Trạng Nguyên) khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Kiều Trung thứ 18 ( năm 1232 thời Trần Nhân Tông) làm quan đến chức Thị Lang Hàn Lâm học sĩ thượng thư. Đời Lê Cảnh Hưng làng có ông Nguyễn Bá Lâm là một tướng quân của triều đình.
Trước cách mạng Tháng Tám, làng có 2 khoá sinh mở trường dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ; nay có thầy giáo Đoàn Văn Lễ được Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú ( ngày 19/5/1988).
Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng.... 43 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn liệt sỹ; 29 thương, bệnh binh; có mẹ Nguyễn Thị Rện được phong tặng danh hiệu bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Làng đã xây dựng quy ước năm 2002 gồm 5 chương, 26 điều; và được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá" năm 2002.
* Làng Xuân Dương.
Xuân Dương là làng có từ lâu đời, xưa kia có tên là Tây Khu (còn gọi làng Sồi Rừng) sau đổi là Xuân Dương thuộc Tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ. Tháng 3 năm 1946 là một làng của xã Dương Tân, huyện Gia Lộc. Tháng 9 năm 1947 là một làng thuộc xã Quốc Tuấn, đến năm 1956 là một làng thuộc xã Gia Lương cho đến nay. Cùng với hai làng Trình Xá, Luỹ Dương thờ chung thành hoàng là Lương Cảm Quang Châu - Hoàng Thái Hậu và 6 vị "Lục công phù Trần dẹp giặc". Lễ hội hàng năm vào ngày mồng 7 đến mồng 9 tháng Một âm lịch. Làng có 7 dòng họ cùng chung sống đoàn kết lâu đời bên nhau.
Vào đầu thế kỷ XVII, làng có một ngôi chùa thờ phật và một ngôi Đền thờ Đức mẫu thị Nội Vương Nguyễn Thị Diệu - hiệu Liên, tương truyền là người có công cứu sống và nuôi dạy hoàng tử con vua.
Thời phong kiến, làng là xứ "khô sơn bạc thuỷ, sông không đến, bến không vào". Sản xuất và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Làng Xuân Dương có nghề đúc gang rất sớm nhưng đến nay đã thất truyền.
Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng...., 16 người đã anh dũng hy sinh được suy tôn liệt sỹ; 10 thương, bệnh binh.
Làng đã xây dựng quy ước năm 1997 gồm 6 chương, 17 điều và được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá" năm 2001.
* Làng Trình Xá.
Xưa kia có tên là Trung Khu thuộc xã Lỗi Dương, tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ sau đổi tên thành làng Sồi Giữa. Tháng 3 năm 1946 là một làng của xã Dương Tân, huyện Gia Lộc. Tháng 9 năm 1947 là một làng thuộc xã Quốc Tuấn, đến năm 1956 là một làng thuộc xã Gia Lương cho đến nay. Làng nằm giáp xã Hoàng Diệu và xã Tân Tiến. Làng có 7 dòng họ sống quần tụ bên nhau từ xưa đến nay.
Xưa kia làng có một ngôi chùa được xây dựng vào đời Khải Định năm thứ 6; làng có một ngôi đình cổ được xây dựng vào năm 1460 (triều Lê) và được trùng tu vào năm 1897 và còn tồn tại đến ngày nay. Thành hoàng làng thờ chung với hai làng Luỹ Dương và Xuân Dương là Lương Cảm Quang Châu - Hoàng Thái Hậu. Lễ hội hàng năm từ ngày mồng 7 đến mồng 9 tháng mười một âm lịch.
Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng...., 28 người đã anh dũng hy sinh được suy tôn là liệt sỹ, có 17 thương, bệnh binh.
Làng đã xây dựng được quy ước năm 2002 gồm 7 chương, 31 điều; và được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá" năm 2003.
Thực hiện quyết định số 1661, ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh v/v sáp nhập thôn, khu dân cư. Ngày 01/6/2019, Làng Xuân Dương và Trình Xá đã sáp nhập thành thôn Xuân Trình.
II. Tổng quan xã Tân Tiến trước lúc sáp nhập
Tân Tiến là xã nằm ở phía Đông huyện Gia Lộc, xã có đường tỉnh lộc 395 chạy qua. Phía Bắc giáp xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương; Phía Nam giáp xã Gia Lương huyện Gia Lộc; Phía Đông giáp xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ; Phía Tây giáp xã Gia Khánh huyện Gia Lộc và xã Gia Xuyên, thành phố Hải Dương. Tân Tiến có diện tích đất tự nhiên là 2,6840km2, Dân số là: 4.730 nhân khẩu (tính đến 30/11/2024). Xã có 3 làng: Làng Đông Cận, làng Quán Đào, làng Tam Lương.
Dưới chế độ phong kiến làng Đông Cận thuộc tổng Hội xuyên (huyện Gia Lộc), làng Quán Đào và làng Tam Lương thuộc tổng Mỹ Xá (huyện Tứ Kỳ). Đầu năm 1946, ba làng Đông Cận, Quán Đào, Tam Lương hợp nhất làm một và lập thành một xã Tân Tiến cho đến ngày nay. Ngày 10/10/1947 chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, mới đầu có 3 đ/c Đảng viên, trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành đến nay đảng bộ có 9 chi bộ trực thuộc trong đó: có 3 chi hội nông thôn, 3 chi bộ nhà trường, 1 chi bộ công an, 1 chi bộ Dân quân, 1 chi bộ doanh nghiệp số đảng viên trong đảng bộ lên tới: 213 đ/c. Trong suốt chặng đường cách mạng, Đảng bộ xã Tân Tiến đã lãnh đạo nhân dân chiến đấu cùng cả nước giải phóng quê hương đất nước góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Tân Tiến có phong trào du kích phát triển mạnh, xã đã xây dựng thành công mô hình "Làng chiến đấu" điển hình trong cả nước, du kích Tân Tiến đã mưu trí, dũng cảm đã lập được nhiều chiến công, đẩy lùi nhiều trận càn và tiêu diệt nhiều sinh lực của địch. Hòa bình lập lại xã Tân Tiến được đón 13 đoàn Quốc tế đến từ các nước Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và các mước đến thăm quan học tập về chiến tranh du kích. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã là nơi đặt trận địa tên lửa phong không. Nhân dân xã Tân Tiến đã cùng với đơn vị tên lửa tham gia đắp ụ pháo và chiến đấu giành nhiều chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, do có thành tích chiến đấu kiên cường xuất sắc, ngày 26/04/2002 Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng cho nhân dân và các lược lượng vũ trang nhân dân xã Tân Tiến danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước". Trong 2 cuốc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhân dân xã Tân Tiến đã đóng sức người và sức của vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. xã có 10 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ Nguyễn Thị Tuấn, Đỗ Thị Qụy, Pham Thị Tủn, Đỗ Thị Khơi, Vũ Thị Đặng, Nguyễn Thị Sóng, Nguyễn Thị Lâm, Phạm Thị Nguyện, Lê Thị Cỏn, Lê Thị Triệu; 92 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh; 53 thương binh; 27 bệnh binh; chất độc hóa học 10 người. Xã được tặng thưởng huân chương kháng chiến trong chông Pháp, chống Mỹ và nhiều cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại. Xã Tân Tiến từ xưa là nơi có nhiều công trình kiến trúc văn hóa như: Đình làng; Đền; Chùa; Miếu, nhà thờ đến nay nhân dân địa phương còn giữ nguyên giá trị kiến trúc cổ kính có giá trị như: Năm 1995, đình Quán Đào được công nhận di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp Quốc gia. năm 2012, Miếu – Chùa Đông Cận được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh; Năm 2014, Đình Tam Lương được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử kiến trúc cấp tỉnh. Ngày 01/9/2004 xã được UBND tỉnh công nhận 2 làng nghề bún cổ truyền được nhận là làng nghề bún truyền thống, nhân dân trong làng còn lưu giữ đến ngày nay đó là làng Đông Cận và làng Tam Lương. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2018 xã Tân Tiến đã được chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2023 được công nhận là nông thôn mới nâng cao.
* Làng Đông Cận: có từ lâu đời, vào khoảng đầu thế kỷ 19 năm 1807. Làng Đông Cận là một xã thuộc Tổng hội xuyên, huyện Gia Lộc. Sau cách mạng tháng 8/1945, từ đầu năm 1946 làng Đông Cận thuộc xã Tân Tiến - huyện Gia Lộc cho đến nay. Làng có một cụm di tích lịch sử Miếu - Chùa Đông Cận thờ hai danh Tướng tài có công giúp Triều đình Nhà Lý; Miếu thôn thờ Thành Hoàng (Đỗ Công Cốt) hiệu là Thuỵ - Đạo - Cốt, huý là Hoàng Công, sinh ngày 13 tháng 2, hoá ngày mồng 10 tháng 10 âm lịch, hiển thánh ngày 14 tháng 8 âm lịch. Đã có công phò vua Lý Anh Tôn đánh giặc ở đất Quỳnh Nha và được vua phong là "Chung phẩm hoàng bào; Nguyên suý đại tướng quân". Nhân dân trong thôn lập miếu thờ ngài ở đống Mả Nghè (nơi thác), trong năm tế lễ vào ngày 13 tháng 2 là ngày sinh, ngày 14 tháng 8 và ngày 10 tháng 10 là ngày Ngài hoá và hiển thánh. Thôn có lệ giao hiếu với làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ hàng năm vào ngày 13/2 (Âm lịch). Hiện nay làng còn lưu giữ được một ngôi chùa cổ. Đền thôn thờ bà "Nhiếp chính ỷ Lan", dân trong làng thường gọi là đền bà Đươi. Hàng năm vào ngày 24 tháng 7 âm lịch là ngày húy nhật của bà, làng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của bà đối dân làng.
Trong kháng chiến chống Mỹ khu di tích Miếu - Chùa Đông Cận là địa điểm được chọn để xây dựng trận địa pháo cao xạ và tên lửa phòng không của bộ đội tỉnh Hải Dương chống lại máy bay Mỹ đánh phá. Ngôi chùa, Đền của làng đều đã bị bom đạn Mỹ phá hỏng nhiều hạng mục công trình và hậu cung của Miếu, chùa. Năm 1972 nhân dân trong thôn đã chuyển ngôi chùa vào vị trí đất Miếu và năm 2010 nhân dân đã góp công sức tôn tạo, tu bổ lại cum di tích để nhân dân trong làng và khách thập phương đến lễ phật và vãng cảnh. Ngày 7 tháng 2 năm 2013 cụm di tích Miếu - Chùa Đông Cận được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, ngày 28/04/2013 cán bộ và nhân dân trong làng vinh dự tổ chức lễ đón bằng di tích lịch sử Miếu - chùa Đông Cận. Trải qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, các thế hệ người dân làng Đông Cận đã đóng góp xứng đáng công sức của mình và đã được Đảng, Nhà nước truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng 2 mẹ, đó là mẹ Lê Thị Cỏn, mẹ Phạm Thị Nguyện; 18 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 10 người là thương, bệnh binh, hàng trăm người khác được nhà nước tặng thưởng huân huy chương các loại... Ngày nay, làng Đông Cận có diện tích đất tự nhiên gần 60 ha với dân số trên 270 hộ, có 880 nhân khẩu thuộc 10 dòng họ chính sinh sống quần tụ, có dòng họ đã 14 đời lập nghiệp tại đây. Làng có 3 xóm gồm: xóm Quan xanh; xóm Cầu Đìa và xóm Văn Chỉ. Nhân dân trong làng Đông Cận chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. làng có nghề làm bún từ nhiều đời nay, có 40% số lao động của các hộ trong làng làm nghề cổ truyền. Nghề làm bún cho thu nhập cao từ sản phẩm bún và chăn nuôi lợn từ sản phẩm phụ. Năm 2004 làng được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là làng nghề TTCN truyền thống. Năm 1998 làng đã xây dựng được quy ước gồm 7 chương, 34 điều. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do BCĐ phong trào Trung ương phát động. Năm 2006 bản quy ước mới của thôn được bổ xung, xây dựng lại, dựa trên cơ sở nội dung quy ước của làng đã được xây dựng năm 1998. Quy ước của làng đã được chỉnh sửa, bổ sung và UBND huyện Gia Lộc phê duyệt và chính thức đưa vào thực hiện từ năm 2014. Năm 2007 làng Đông Cận đã được UBND huyện Gia Lộc công nhận danh hiệu “Làng văn hoá".
* Làng Quán Đào: có vào khoảng đầu thế kỷ 19 năm 1807. Xã Quán Đào thuộc tổng Mỹ Xá huyện Tứ Kỳ, đến trước năm 1938 làng Quán Đào thuộc tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc. Đầu năm 1946 ,thôn thuộc xã Tân Tiến cho đến ngày nay, làng có 11 dòng họ chung sống hoà thuận từ nhiều đời nay. Năm 1936, thôn đã xây dựng được Hương ước. Hiện nay làng còn lưu giữ được một ngôi Đình và một ngôi Chùa (Kim Hoa Tự) cổ kính thờ Phật. Đình thờ Thành hoàng làng hiệu là Thiên Tác Đại Vương Lý Canh Tôn, Sự tích theo thần tích: Ngài là con của Lạc Long Quân có công âm phù nhà Lý đánh giặc Tống, sau ngày thắng giặc vua ban chiếu phong ngài là Bảo Tướng Phúc Thần hiển liệt hộ quốc an dân; âm phù Lê Thái Tổ đánh giặc Minh, sau khi thắng giặc Minh được vua Lê ban chiếu phong là Trợ thắng Thượng đẳng thần... Lễ hội làng xưa được tổ chức vào ngày hiển thánh 12 tháng Chạp hàng năm. Nhân dân trong làng có tục kiêng hèm huý, lúc đọc, lúc nói phải kiêng chữ Canh Tôn. Năm 2008; Ngôi chùa của làng cũng đã được nhân dân tu bổ, tôn tạo lại để cho nhân dân trong làng, xã và khách thập phương đến lễ Phật và vãng cảnh chùa. Ngày nay, Lễ hội truyền thống hàng năm được tiến hành tổ chức tại đình làng trong ngày 11 & 12 tháng Giêng âm lịch. Do có giá trị về kiến trúc văn hoá gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, Đình Quán Đào đã được Chủ tịch nước công nhận di tích lịch sử văn hoá cách mạng cấp Quốc gia năm 1995. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, nhân dân làng Quán Đào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ quê hương. làng có 7 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Đỗ Thị Qụy, Phạm Thị Tủm, Nguyễn Thị Tuấn, Đỗ Thị Khơi, Vũ Thị Đặng, Nguyễn Thị Sóng, Nguyễn Thị Lâm; 55 người con ưu tú của thôn đã anh dũng hi sinh và được suy tôn liệt sỹ, 36 người là thương binh đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường và nhiều cá nhân được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Làng Quán Đào hiện nay với diện tích đất tự nhiên khoảng gần 175 ha, dân số 800 hộ gia đình có 2.500 nhân khẩu, có 02 Chi bộ Đảng và 2 Ban công tác MTT và 5 tổ chức chính trị đoàn thể đang chung sức, đồng lòng lãnh đạo nhân dân trong làng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân cùng nhau xây dựng quê hương Quán Đào giầu đẹp, văn minh. Trong công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân làng Quán Đào lại cùng nhau đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh. Năm 1998 làng đã xây dựng được quy ước gồm 7 chương, 34 điều. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do BCĐ phong trào trung ương phát động. Năm 2006 bản quy ước mới của làng được bổ xung, xây dựng lại, dựa trên cơ sở nội dung quy ước của làng đã được xây dựng năm 1998. Quy ước của làng đã được chỉnh sửa, bổ sung và UBND huyện Gia Lộc phê duyệt và chính thức đưa vào thực hiện từ năm 2014. Năm 2015 làng Quán Đào đã được UBND huyện Gia Lộc công nhận danh hiệu “Làng văn hoá".
* Làng Tam Lương: vào khoảng đầu thế kỷ 19 năm 1807 là xã Tam Lương thuộc tổng Mỹ Xá huyện Tứ Kỳ, đến trước năm 1938 thuộc tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc. Đầu năm 1946 Làng thuộc xã Tân Tiến. Làng có 13 dòng họ sống quần tụ đoàn kết, thương yêu nhau "Tối lửa tắt đèn có nhau". Có 9 dòng họ đã 5 đời lập nghiệp tại đây. Làng có một ngôi chùa và một ngôi đình. Đình làng tọa lạc tại trung tâm làng, khuôn viên rộng 289m2, diện tích xây dựng 100 m2. Đình thờ Thành hoàng Làng tên huý là "Chung", tên thường gọi không có. Ngài sinh ngày mồng 10 tháng 10 và hoá ngày mồng 8 tháng 8 âm lịch. Sự tích theo thần tích: Ngài cùng hai người anh là Hựu và Phẩm có công giúp Lý Nam Đế đánh giặc Lương, sau khi thắng trận trở về đến cánh đồng làng thì cả 3 người cùng hoá và được dân làng lập đền thờ tôn làm Thành hoàng. Chùa làng có tên gọi Từ Quang Tam Bảo, thờ phật. Năm 2010 nhân dân trong làng đã tôn tạo tu bổ khuôn viên để cho nhân dân đến lễ phật và vãng cảnh chùa. Lễ hội truyền thống hàng năm của làng được tổ chức vào (ngày sinh, ngày hoá của thành hoàng làng) mồng 10 tháng 10 và mồng 8 tháng 8 âm lịch. Năm 2015 Đình làng được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận di tích kiến trúc cấp tỉnh.
Làng có nghề truyền thống là nghề làm bún và đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề TTCN năm 2004. Từ ngày có Đảng đến nay, nhân dân trong làng một làng một dạ theo đảng Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc làng có 13 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh được suy tôn là liệt sỹ, 12 thương binh, làng có mẹ Lê Thị Triệu được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Làng Tam Lương hiện nay có diện tích đất tự nhiên gần 41 ha với trên 200 hộ dân sinh sống. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do BCĐ phong trào trung ương phát động Năm 1998 làng đã xây dựng được quy ước gồm 7 chương, 34 điều. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do BCĐ phong trào trung ương phát động. Năm 2006, bản quy ước mới của làng được bổ xung, xây dựng lại, dựa trên cơ sở nội dung quy ước của làng đã được xây dựng năm 1998. Quy ước của làng đã được chỉnh sửa, bổ sung và UBND huyện Gia Lộc phê duyệt và chính thức đưa vào thực hiện từ năm 2014. Năm 2013 làng đã được UBND huyện Gia Lộc công nhận danh hiệu"Làng văn hoá" .